Ra mồ hôi trộm là chứng bệnh khi ngủ thì ra mồ hôi, khi thức dậy thì mồ hôi không ra nữa, sau khi mồ hôi ráo người bệnh không sợ lạnh mà lại cảm thấy phiền nhiệt. Đông y gọi là “đạo hãn”, hay “tự hãn”. Nguyên nhân phần nhiều do âm hư, nội nhiệt, tân dịch không thu liễm được.
Trường hợp tâm hư ra mồ hôi trộm
Bài thuốc: long cốt nung 20g, phục linh 40g, nhân sâm 24g, liên nhục 120g, sao qua, nghiền nhỏ trộn thành bột kép, mạch môn bỏ lõi nghiền nhỏ chưng nhừ thành cao trộn với bột thuốc, hoàn thành viên bằng hạt ngô, ngày uống hai lần sáng và tối mỗi lần 12g với nước sôi nguội.
Nếu tỳ hư dùng bạch truật 160g thái thành phiến, chia thành 4 phần, một phần đem sao vàng cùng mẫu lệ, một phần sao vàng cùng thạch hộc, một phần sao với cám lúa mạch, phần còn lại không sao, gộp 4 phần sau khi chế, tán thành thuốc bột. Ngày uống 3 lần mỗi lần 20g với nước cháo, uống xa bữa ăn.
Trường hợp ra mồ hôi trộm phong hư, đau đầu
Bài thuốc: Mẫu lệ, bạch truật, phòng phong đồng lượng tán thành bột, uống mỗi lần một thìa cà phê ngày 3 lần với một chút rượu trắng hoặc dùng bài: phòng phong 20g, xuyên khung 10g, nhân sâm 5g, nghiền mịn trộn thành thuốc bột, mỗi lần uống 8g với nước cơm trước lúc đi ngủ.
Nếu ra mồ hôi trộm làm thương tổn đến thận âm, thường kèm theo lưng đau, gối mỏi, di tinh, miệng lưỡi mọc mụn, phải tư bổ thận âm, thu liễm tân dịch.
Bài thuốc: Sinh địa hoàng 18g, thục địa hoàng 15g, huyền sâm 10g, mạch môn 10g, ô mai 10g, hỏa ma nhân (hạt quả gai dầu) 10g, ngũ vị tử 5g. Sắc uống ngày 1 thang.
Trường hợp hồi hộp, mất ngủ, mỏi lưng hay mê, táo bón, lưỡi đỏ, ít tân dịch, bệnh thuộc thể âm hư, tâm thận bất giao phải tư dưỡng nguyên âm giao tâm thận.
Bài thuốc: Thục địa hoàng 24g, sơn thù 12g, hoài sơn 24g, khiếm thực 24g, sa uyển tử 24g, kim anh tử 10g, phục thần 10g, sinh long cốt 10g, ngũ vị 10g, thỏ ty tử (dây tơ hồng) 24g, tang phiêu tiêu 10g, viễn chí 10g, dạ giao đằng 30g. Sắc uống ngày 1 thang chia đều uống 3 lần.
Mồ hôi trộm ra lượng nhiều, dễ bị cảm mạo khát nước, hồi hộp, mỏi mệt, sốt nhẹ, bệnh thuộc khí, âm đều hư, tấu lý thưa hở, phép điều trị nên ích khí, dưỡng âm làm bền chắc cơ biểu, thu liễm cầm mồ hôi.
Mồ hôi trộm kéo dài quá nhiều, người sốt, sợ rét đắng miệng, rêu lưỡi nhớt, tiểu tiện vàng, sẻn do thấp nhiệt nung nấu ở bên trong mà gây bệnh phải khơi thông thấp nhiệt, thu liễm mồ hôi.
Bài thuốc: Tang diệp 12g, liên kiều 9g, thông thảo 6g, phù tiểu mạch 18g, mẫu đơn bì 9g, mẫu lệ 18g, hoạt thạch 9g, hoàng kỳ 12g. Sắc ngày 1 thang chia đều uống 3 lần.
Nếu âm hư nhiều dùng “Ích âm thang” gồm: Sinh địa 16g, sơn thù 16g, hoài sơn 16g, đan bì 12g, bạch thược 12g, mạch môn đông 12g, trạch tả 12g, địa cốt bì 12g, liên nhục 12g, đăng tâm 10g, ngũ vị 6g. Sắc uống ngày một thang chia đều uống 3 lần.
Trường hợp nội nhiệt nặng hoặc hỏa của ngũ chí khuấy động phải tư âm dưỡng huyết thanh nhiệt, tả hỏa có thể uống kết hợp với “Đương quy lục hoàng thang” gồm: Đương quy 16g, hoàng kỳ 12g, sinh địa hoàng 12g, thục địa hoàng 16g, hoàng liên 10g, hoàng cầm 10g, hoàng bá 12g. Sắc uống ngày một thang chia đều uống 3 lần.
Theo Sức Khoẻ & Đời Sống
Ý kiến của bạn