Rotavirus là gì?
Tiêu chảy cấp do Rotavirus là bệnh nhiễm khuẩn dạ dày ruột cấp do virut Rota gây nên. Bệnh rất thường gặp ở trẻ em và trẻ nhỏ, đặc biệt là lứa tuổi từ 3 tháng đến 2 tuổi. Trong 5 năm đầu đời, hầu như không trẻ nào thoát khỏi tiêu chảy cấp do Rotavirus.
Cơ chế lây nhiễm Rotavirus
Tiêu chảy cấp do Rotavirus lây lan rất nhanh, chủ yếu qua con đường phân – miệng và tay – miệng. Vi-rút được thải ra ngoài theo phân của người bệnh và tồn tại rất lâu trong phân, ở bàn tay, trên sàn nhà, các đồ vật… bị nhiễm. Trẻ dễ dàng bị nhiễm bệnh do uống hoặc ăn phải thức ăn bị nhiễm bẩn qua do sờ chạm vào các bề mặt, các đồ vật (bàn ghế, đồ chơi, sàn nhà…) bị nhiễm bẩn.
Khi Rotavirus xâm nhập vào cơ thể con người nó phá hủy và làm tổn thương lớp bảo vệ ở những phần khác nhau của ruột non. Tùy mức độ phá hủy mà trẻ có thể mắc tiêu chảy từ nhẹ đến nặng.
- Bé thường sẽ bị sốt, buồn nôn và ói mửa dữ dội
- Sau 24 đến 48 giờ, sẽ xuất hiện triệu chứng tiêu chảy. Trẻ tiêu chảy phân lỏng toàn nước, không có máu. Tiêu chảy và nôn ói có thể lên đến hơn 20 lần/ngày.
- Thông thường, bệnh kéo dài từ 3 đến 8 ngày, một số trường hợp có thể kéo dài đến 2 tuần.
- Có thể có ho và chảy mũi nước.
- Vì vừa bị ói và tiêu chảy nhiều, trẻ bị nhiễm Rotavirus rất dễ bị mất nước nếu không được chăm sóc thích hợp.
Bệnh có những biến chứng nào?
Biến chứng nguy hiểm và trầm trọng của bệnh là khô kiệt do mất nước và mất muối, dễ dẫn đến trụy mạch và tử vong nếu không được bù nước kịp thời. Các biểu hiện của mất nước bao gồm:
- Khát nước.
- Môi khô, lưỡi khô, da khô.
- Tiểu ít.
- Kích thích, quấy khóc.
Khi thấy trẻ có các biểu hiện trên lập tức phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay.
Tiêu chảy được chữa trị như thế nào?
- Cho trẻ uống nhiều nước hơn bình thường. Có thể dùng nước đun sôi để nguội, nước canh rau, nước khoáng (không có gas), nước dừa tươi hoặc cho trẻ uống nước biển khô ORESOL theo chỉ dẫn của thầy thuốc.
- Cho trẻ ăn đầy đủ chất dinh dưỡng như bình thường, phù hợp theo lứa tuổi của trẻ. Nên chia nhỏ bữa ăn làm nhiều lần, đút chậm bằng muỗng vì trẻ dễ bị ói. Nếu trẻ ói, cho trẻ nghỉ một chút rồi đút lại, chậm rãi hơn.
- Tiếp tục cho trẻ bú mẹ, nếu trẻ bú bình thì cần vệ sinh bình, núm vú và dụng cụ pha sữa kỹ trước mỗi cữ bú, sữa được pha theo số lượng như trẻ vẫn bú lúc không bị tiêu chảy, không được pha loãng hơn, không nên đổi loại sữa khác. Tương tự như việc cho ăn, nên cho trẻ bú từng ít một, nhiều lần trong ngày.
- Theo dõi số lần đi tiêu, số lượng phân, màu phân, khả năng uống bù nước và ăn uống của trẻ.
- Theo dõi phát hiện các dấu hiệu mất nước để kịp thời đưa trẻ nhập viện.
- Tuyệt đối không dùng thuốc cầm tiêu chảy cho trẻ vì các thuốc này làm giảm nhu động ruột, làm liệt ruột khiến phân không được thải ra ngoài (chứ không có tác dụng tiêu diệt vi-rút – nguyên nhân gây nên tiêu chảy. Do đó trẻ vẫn tiếp tục bị tiêu chảy, mà phân không được bài xuất ra ngoài, ứ đọng lại trong ruột gây chướng bụng, thủng ruột, tắc ruột, tử vong…
- Tránh kiêng khem quá mức như không cho trẻ uống sữa, chỉ cho trẻ ăn cháo trắng với muối sẽ khiến trẻ dễ bị bệnh nặng hơn.
Làm thế nào để phòng tránh bệnh?
- Giữ vệ sinh tay sạch sẽ là biện pháp cơ bản để phòng bệnh.
- Các bà mẹ, cô bảo mẫu phải rửa tay sạch bằng xà phòng sau khi thay tã lót hoặc làm vệ sinh cho trẻ.
- Không để trẻ bò lê la trên sàn nhà hoặc ngậm tay, ngậm đồ chơi.
- Lau rửa sàn nhà và các vật dụng, bàn ghế, đồ chơi bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B, lau rửa sàn toa-lét, bồn cầu sau khi trẻ tiêu chảy đi vệ sinh.
- Tã lót của trẻ bị bệnh phải được cho vào bao nylon, cột kín rồi cho vào thùng rác.
Ý kiến của bạn