Nhau thai nằm không đúng vị trí là một trong những nguyên nhân gây ra tình trạng sảy thai, sinh non. Bình thường nhau bám ở đáy tử cung. Nhau thai bám thấp là bánh nhau bám gần lỗ trong cổ tử cung. Khi vào chuyển dạ hoặc có cơn co tử cung, phần cơ tử cung ở đọan dưới (gần cổ tử cung) sẽ giãn ra, trong khi đó bánh nhau không giãn đồng bộ, vì thế sẽ có hiện tượng bóc tách bánh nhau ra khỏi niêm mạc tử cung gây chảy máu.
Ảnh hưởng của nhau thai bám thấp với mẹ và con
Ảnh hưởng với mẹ: Ra huyết âm đạo gây thiếu máu. Nếu chảy máu nhiều, mẹ sẽ mất máu, nặng nề có thể dẫn đến trụy mạch, chóang và nếu không xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng tính mạng.
Ảnh hưởng với thai:
– Nếu ra huyết, mẹ bị thiếu máu, thai dễ bị suy dinh dưỡng, suy thai.
– Nguy cơ sinh non cao, bé dễ bị suy hô hấp, khó nuôi do non tháng vì trong trường hợp mẹ bị ra huyết nhiều, để cứu mẹ nên bác sĩ phải mổ lấy thai sớm bất kể đến thai đủ tháng hay chưa.
– Nguy cơ ngôi thai bất thường vì bánh nhau nằm ở phần dưới tử cung làm cho thai nhi khó xoay đầu xuống nên dễ dẫn đến ngôi bất thường: ngôi mông hay ngôi ngang…
Một số yếu tố nguy cơ của nhau bám thấp
Mẹ lớn tuổi, sinh nhiều lần, mổ lấy thai nhiều lần. Tuy nhiên có khá nhiều trường hợp không rõ nguyên nhân.
Thai < 20 tuần, do đọan dưới tử cung chưa thành lập nên bánh nhau bám gần lỗ trong cổ tử cung nhìn thấy qua siêu âm. Khi thai lớn lên, đọan dưới thành lập, kéo dài phần cơ tử cung ở gần cổ tử cung ra, bánh nhau “di chuyển” lên cao. Có khá nhiều trường hợp chẩn đóan lúc đầu là nhau bám thấp nhưng vào tháng cuối thai kỳ, bánh nhau lại cách xa cổ tử cung và không còn nguy cơ chảy máu nữa.
Cần nghỉ ngơi, tránh làm việc nặng, ăn uống bồi dưỡng. Nên khám thai định kỳ và theo dõi xem bánh nhau có “di chuyển” lên hay không.
Ý kiến của bạn