Phế quản là đường ống dẫn khí đi từ khí quản vào đến tận phổi, lúc đầu là phế quản gốc bên trái và phải, sau đó đến các phế quản nhỏ hơn rồi đến các tiểu phế quản tiếp giáp với các phế nang. Viêm phế quản co thắt là một trong những bệnh viêm phế quản thường gặp ở trẻ. Khi bị bệnh, toàn bộ đường dẫn khí vào phổi bị viêm nhiễm và chít hẹp do phù nề, co thắt. Nguyên nhân của viêm phế quản co thắt có thể là vi khuẩn, virus, ký sinh trùng, hóa chất, dị vật, bụi, phấn hoa, nấm mốc, khói thuốc hay thời tiết thay đổi, điều kiện dinh dưỡng kém… là những yếu tố thuận lợi để bệnh phát triển.
Triệu chứng của viêm phế quản co thắt
Ho kèm theo tiếng rít lúc thở vào, đôi khi lẫn lộn giữa cơn ho có tiếng rít. Hậu quả của cơn ho dữ dội chính là do trẻ bị viêm phế quản co thắt, đôi khi ăn song trẻ bị nôn vọt vì ngứa họng và luôn muốn ho.
Nguyên tắc điều trị
- Giữ ấm cho trẻ, làm thông thoáng đường thở để trẻ dễ thở hơn bằng các thuốc giãn phế quản và long đờm.
- Không nhất thiết là phải dùng kháng sinh và chỉ dùng khi có nhiễm khuẩn.
- Chế độ dinh dưỡng phù hợp như: ăn lỏng, ăn cháo loãng, súp khoai tây, khoai tây nghiền nấu với thịt nạc, trứng. Bổ sung những thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như thịt, cá, trứng, sữa, hoa quả tươi.
- Uống nhiều nước các loại.
Để phòng bệnh viêm phế quản co thắt
- Không để trẻ bị lạnh nhất là khi thời tiết đột ngột chuyển từ nóng sang lạnh, thường xuyên giữ ấm trẻ (ấm ngực, chân tay; quần áo, tã lót ướt cần được thay ngay).
- Khi trẻ bị viêm họng hay viêm mũi, viêm amiđan, VA… cần điều trị kịp thời..Chú ý chế độ dinh dưỡng hợp lý để trẻ tăng sức đề kháng.
Lưu ý: viêm phế quản co thắt cần phân biệt với hen phế quản để có hướng dự phòng tái phát. Vì ở tuổi của bé rất dễ bị viêm phế quản thể hen nên bạn cần chú ý các yếu tố gây dị ứng để tránh yếu tố khởi phát thì bệnh mới khỏi hẳn được. Nếu không tìm được nguyên nhân thì bệnh sẽ hay bị tái phát khi gặp lại kháng nguyên đó.
Ý kiến của bạn