Tục đoạn, tên khác là sâm nam, rễ kế, đầu vù… Bộ phận dùng làm thuốc của tục đoạn là rễ, dùng chữa động thai hiệu quả.
Theo y học cổ truyền, rễ tục đoạn có vị đắng, cay, mùi thơm, tính ấm, không độc, có tác dụng bổ can thận, chữa đau mỏi gân xương, hành huyết, chỉ huyết, giảm đau an thai. Mỗi ngày dùng 6-12g dưới dạng thuốc sắc, thuốc hoàn tán hoặc thuốc rượu. Ít khi dùng riêng, thường phối hợp với nhiều vị thuốc khác, dùng trong những trường hợp sau:
Phòng ngừa sẩy thai trong trường hợp hay đẻ non: Tục đoạn 8g, đảng sâm, hoàng kỳ, đương quy, hoàng cầm, xuyên khung, mỗi vị 4g; bạch thược, thục địa, mỗi vị 3g; bạch truật, sa nhân, cam thảo (chích), mỗi vị 2g; gạo nếp 1 nắm. Tất cả thái nhỏ, nấu với nhiều lần nước để lấy nước đặc, rồi cho gạo nếp đã vo sạch vào nấu thành cháo. Ăn trong ngày. Dùng 3-5 ngày.
Chữa động thai, dọa sẩy thai khi thai được 2-3 tháng:
Tục đoạn (tẩm rượu) 60g, đỗ trọng (tẩm nước gừng, sao cho đứt tơ) 60g. Hai vị tán nhỏ, trộn với thịt quả táo (táo nhục) làm thành viên to bằng hạt ngô. Ngày uống 30 viên, với nước cháo.
Chữa kinh nguyệt quá nhiều, kinh màu nhạt: Tục đoạn 10g, thục địa 12g, đương quy 10g, ngải diệp 3g, xuyên khung 3g. Sắc nước uống ngày một thang.
Chữa sữa không thông, ít sữa sau sinh: Tục đoạn 15g, xuyên sơn giáp (rang cháy), ma hoàng, mỗi vị 6g; đương quy, xuyên khung, mỗi vị 5g; thiên hoa phấn, thông thảo, mỗi vị 9g. Sắc nước uống.
Chữa tê thấp, đau mỏi gân xương: Tục đoạn, ngưu tất, đỗ trọng, tang ký sinh, mỗi vị 10g; câu kỷ, đương quy, hà thủ ô đỏ, mỗi vị 5g. Tất cả thái nhỏ, phơi khô, sắc 400ml nước còn 100ml, uống làm 2 lần trong ngày. Có thể ngâm rượu uống.
DS. Đỗ Huy Bích
Ý kiến của bạn