Tên khoa học:
Lignum Aquilariae
Nguồn gốc:
Gỗ có nhựa (đã “hoá trầm”) của cây Trầm hương (Trầm dó) (Aquilaria agallocha Roxb.) hay (Aquilaria crassna Pierre) hoặc của cây Bạch mộc hương (Aquilaria sinensis (Lour.) Gilg), họ Trầm (Thymeleaceae).
Thành phần hoá học:
Có tinh dầu mà thành phần chủ yếu là benzylaceton 26% metoxybenzalaceton 53% và terpen alcol 11%, còn có acid cinamic và các dẫn xuất của nó.
Tính vị, tác dụng:
Gỗ Trầm có vị cay, hơi ngọt, tính ấm, có tác dụng giáng khí, bổ nguyên dương, hạ đờm. Có tác giả cho là nó bổ thận khí, tăng cường chức năng liễm nạp khí xuống và thêm sức vận hoả của tỳ thận. Ở Thái Lan, gỗ Trầm được xem như có tác dụng trợ tim, bổ huyết, lợi tiêu hoá, trừ ỉa chảy, chống nôn và hạ sốt.
Công dụng:
Chữa nôn mửa, đau bụng, làm chất thơm trong một số nghi lễ tôn giáo.
Cách dùng, liều lượng:
Ngày dùng 2-4g, dạng thuốc sắc hay hoàn tán, thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Chú ý:
Trầm hương có thể được thu từ cây Xương rồng ba cạnh (Euphorbia antiquorum L.), họ Thầu dầu (Euphorbiaceae). Sự hình thành trầm trong cây này cũng giống như sự hình thành trầm trong cây Trầm gió. Giá trị của trầm lấy từ cây Xương rồng ba cạnh thấp hơn nhiều so với trầm thu từ các cây thuộc họ Trầm (Thymeleaceae).
Nhựa tiết ra, tích tụ lâu năm từ những vết thương của cây Trầm hương gọi là Kỳ nam, là thương phẩm rất có giá trị. – Tránh nhầm với Bí kỳ nam (Kiến kỳ nam) là dược liệu được chế biến từ thân phình thành củ của cây Bí kỳ nam (Hydnophytum formicarium Jack.) họ Cà phê (Rubiaceae).
Ý kiến của bạn