PHỤ KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN
Lương y Nguyễn Đăng Thành
A – ĐẶC ĐIỂM PHỤ KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN
Phụ khoa YHCT nghiên cứu về các chứng bệnh riêng của phụ nữ như kinh nguyệt, khí hư (đới hạ), thai nghén, sinh đẻ và các tạp bệnh của phụ nữ ở vú và bộ phận sinh dục.
1- Đặc điểm sinh lý phụ nữ:
+ Sinh lý phụ nữ thay đổi theo cơ số 7 (đàn ông cơ số 8).
– Khi 7 tuổi thận khí thịnh: thay răng, tóc dài…
– 14 tuổi (2 x 7) thiên quí đến (thiên quí là nước trời – “vô hình chi thủy, thiên quí chi giả”- là nước vô hình không nhìn thấy), mạch xung, mạch nhâm thịnh: có kinh nguyệt và có khả năng có con.
– 28 tuổi (4 x 28) : sức lực xung túc
– 35 tuổi (5 x 7) mạch dương minh suy: da nhăn, xạm, tóc rụng.
– 49 tuổi (7 x 7) mạch xung nhâm suy hư, thiên quí kiệt: không có khả năng có con (đàn ông 8 x 8 = 64 tuổi thì thiên quí cạn).
Bốn chín và sáu tư
.Hoa kiệt nguồn dưỡng thắm
Quả cạn dòng ngọt thơm
Kẻ võ mải mài gươm
Kẻ văn mê tìm chữ
Đừng công kênh bất tử
Nhà thơ Khuất Quang Thái thân tăng LY. Nguyễn Đăng Thành
+ Mạch xung, mạch nhâm, mạch đốc và mạch đới: 4 mạch này quyết định đến sinh lý và bệnh lý của phụ nữ, quyết định đến kinh nguyệt và thai sản; hoạt động của các mạch này bị rối loạn thì phụ nữ sinh bệnh.
– Mạch xung: là nơi hội tụ huyết (xung vi huyết hải), của 12 kinh, là bể của 5 tạng, 6 phủ.
– Mạch nhâm: là chủ của tất cả các kinh âm, là bể của các kinh âm – “ nhâm chủ bào cung”.
– Mạch đốc: thống đốc các đường kinh dương.
– Mạch đới: liên kết các kinh mạch lại với nhau.
+ Thận khí: là gốc của tiên thiên ( sinh ra đã có), gốc của sinh khí, quyết định đến phát sinh và phát dục (thận khí tiên thiên chi bản, sinh khí chi nguyên).
– Thận khí thịnh thì thiên quí đến làm phát sinh và phát dục, có kinh nguyệt.
– Tuy nhiên thận khí (là khí tiên thiên- sinh ra đã có) lại được nuôi dưỡng bởi hậu thiên, hậu thiên có nguồn gốc từ thức ăn do tỳ vị chuyển hóa mà thành. Vì những lẽ đó nên khi cơ thể khỏe mạnh, ngũ tạng (tâm, can, tỳ, phế, thận) khỏe mạnh thì việc phát sinh phát dục, thai sản của phụ nữ mới tốt được.
+ Hậu thiên (tỳ vị): hậu thiên tỳ vị (tỳ khí hậu thiên chi nguyên) chuyển hóa tinh hoa của thức ăn, nuôi dưỡng ngũ tạng để sinh ra tinh và khí huyết, từ đó để nuôi dưỡng các mạch xung, nhâm, đốc đới.
+ Tóm lại: các nhân tố ảnh hưởng đến sinh lý và bệnh lý của phụ nữ gồm: thận khí, ngũ tạng, các mạch xung, nhâm, đốc, đới và thay đổi sinh lý theo cơ số 7.
2 – Đặc điểm bệnh lý phụ nữ:
+ Nguyên nhân sinh bệnh:
– Nội nhân ( nguyên nhân bên trong): do thất tình (7 loại tình cảm) gồm: hỷ, nộ, ưu, tư, bi, khủng, kinh (vui, giận, lo, suy nghĩ, buồn, hoảng, sợ).
– Ngoại nhân (nguyên nhân bên ngoài): do lục dâm (6 loại khí hậu trái thường của thời tiết) gồm: phong (gió), hàn (lạnh), thử (nắng), thấp (ẩm thấp), táo (khô ráo), hỏa (nóng). Sáu khí này khi bình hòa gọi là lục khí, thì không sinh bệnh; lục khí khi trái thường (thái quá) mới gọi là lục dâm thì mới sinh bệnh(thái quá sinh bất cập).
– Bất nội ngoại nhân (do hoạt đông của con người): do ăn uống quá độ, lao động quá sức, lối sống không lành mạnh, mất vệ sinh, chửa đẻ, nạo hút…
B – NGUYÊN TẮC ĐIỀU TRỊ PHỤ KHOA Y HỌC CỔ TRUYỀN
– Điều trị tận gốc bệnh kết hợp với điều hòa khí huyết, điều hòa tỳ vị, dưỡng can thận
– Phụ nữ lấy huyết làm chủ ( huyết thường bất túc, khí thường hữu dư) nên điều trị phụ khoa phải chú ý bổ huyết, dưỡng huyết.
– Khí là soái của huyết, khí hành thì huyết hành, nên khi chữa bệnh phụ khoa phải điều hòa khí huyết (khi có khí hư và khí uất kết).
– Tỳ vị là gốc của hậu thiên, nguồn của sinh hóa nên chữa bệnh phụ khoa phải chú ý điều lý tỳ vị.
– Thận tàng tinh, can tàng huyết, can thận tốt thì thiên quí và xung nhâm mới khỏe, vì thế phải chú ý dưỡng can thận.
– Khi kinh nguyệt tránh (thận trọng) dùng thuốc hoạt huyết.
– Khi có thai tránh (thận trọng) dùng thuốc tả mạnh và các thuốc kị thai.
Ý kiến của bạn