Mùa xuân thường có mưa phùn, trời vẫn còn lạnh, độ ẩm cao là điều kiện để nhiều bệnh tật phát sinh trong đó có các bệnh đường hô hấp, đặc biệt là viêm phế quản. Người già và trẻ em dễ bị mắc hơn cả do sức đề kháng yếu. Ðông y gọi viêm phế quản là khái thấu, đàm ẩm và chia làm 2 thể: thể cấp tính và thể mạn tính.
Phế quản bình thường. Phế quản bị viêm.
|
Vỏ quýt cũng là một vị thuốc trị viêm phế quản cấp tính.
|
Viêm phế quản cấp tính
Do phong hàn phạm phế làm phế mất khả năng tuyên giáng, hàn thấp thương tỳ sinh đàm ẩm nên ho nhiều đờm. Triệu chứng thường thấy là đờm loãng trắng dễ khạc, chảy nước mũi, ngứa cổ, khản tiếng, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù. Phép chữa: sơ phong tán hàn tuyên phế. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Hạnh tô tán: hạnh nhân 10g, tô diệp 10g, tiền hồ 10g, bán hạ chế 6g, chỉ xác 6g, gừng tươi 3 lát, trần bì 4g, phục linh 6g, cam thảo 6g, cát cánh 8g, đại táo 4 quả. Tất cả tán bột, ngày uống 15 – 20g với nước ấm, chia 2 lần.
Bài 2. Chỉ khái tán: hạnh nhân 12g, tử uyển 12g, cát cánh 8g, cam thảo 4g, tiền hồ 12g. Nếu đờm nhiều, rêu lưỡi trắng, thêm bán hạ 12g, trần bì 8g. Nếu có hen suyễn thì bỏ cát cánh, thêm ma hoàng 6g. Sắc uống ấm trong ngày chia 2 lần sau bữa ăn 1giờ rưỡi.
Bài 3: hạt cải canh sao 6g, hạt củ cải sao 9g, vỏ quýt 6g, cam thảo 6g. Sắc nước uống thay nước trà.
Viêm phế quản mạn tính
Chia làm 2 thể đàm thấp và thủy ẩm.
Đàm thấp: Ho hay tái phát, trời lạnh ho tăng, đờm dễ khạc, sắc trắng loãng; buổi sáng ho nhiều, ngực đầy tức, ăn kém, rêu lưỡi trắng dính, mạch nhu hoạt. Phép chữa: táo thấp hóa đờm chỉ khái. Dùng một trong các bài:
Bài 1: vỏ quýt sao 10g, vỏ vối sao 10g, hạt cải trắng 10g, bán hạ chế 8g, cam thảo dây 8g. Sắc uống ngày 1 thang.
Bài 2. Viên trừ đờm: nam tinh chế 20g, bán hạ chế 20g, bồ kết chế 20g, phèn chua phi 20g, hạnh nhân 4g, ba đậu chế 4g. Tán bột làm viên. Ngày uống 10g chia 2 lần.
Bài 3. Nhị trần thang gia giảm: trần bì 10g, bán hạ 8g, phục linh 10g, cam thảo 10g, hạnh nhân 12g, thương truật 8g, bạch truật 12g. Nếu đờm nhiều thêm bạch giới tử 8g, tức ngực thêm chỉ xác 12g.
Thủy ẩm: Ho hay tái phát, hen suyễn, thở nhiều ran rít, trời lạnh ho tăng, đàm nhiều loãng trắng. Nếu vận động mạnh thì các triệu chứng trên càng rõ, có thể không nằm được, sợ lạnh, rêu lưỡi trắng trơn, mạch tế nhược. Phép chữa: ôn phế hóa đờm. Dùng một trong các bài:
Bài 1. Tiểu thanh long thang gia giảm: ma hoàng 6g, quế chi 6g, can khương 4g, tế tân 4g, ngũ vị tử 6g, bán hạ chế 8g, cam thảo 4g, bạch tiền 4g. Nếu ho nhiều thêm tử uyển 12g, khoản đông hoa 8g. Ho đờm lọc xọc nhiều thêm đình lịch tử 12g.
Bài 2: bạch quả 100g, hạnh nhân 100g, hồ đào nhân 200g, lạc nhân 200g. Tất cả tán vụn, mỗi sáng dùng 20g cùng với 200ml nước đun sôi, đập vào 1 quả trứng gà, thêm ít đường phèn khuấy tan, uống nóng. Trị viêm phế quản mạn tính, ho kéo dài, khó thở, ngại nói, ngại vận động, lưng đau gối mỏi, tay chân lạnh.
Bài 3: hạnh nhân 100g, tử uyển 100g, ma hoàng sao 30g, tô tử 60g, mật ong 500g, đường đỏ 300g. Trước hết đem 4 vị thuốc sắc với 600ml nước còn 250ml rồi hòa với mật ong và đường đỏ, đem hấp cách thủy trong 2 giờ, để nguội đựng vào lọ thủy tinh dùng dần. Mỗi ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 thìa canh. Công dụng: dự phòng tái phát của viêm phế quản mạn tính.
Lương y Nguyễn Minh
Ý kiến của bạn