Xa tiền tử còn gọi là hạt Mã đề, là hạt phơi hay sấy khô của cây Mã đề có tên thực vật là Plantago asiatica L hoặc Plantago depressa Wild thuộc họ Mã đề để dùng làm thuốc được ghi đầu tiên trong sách Bản kinh. Cây Mã đề mọc hoang và đưọc trồng khắp nơi ở nước ta.
Tính vị qui kinh:
Vị ngọt, tính hàn; qui kinh Thận Can Phế.
Theo các sách thuốc cổ:
Sách Bản kinh: vị ngọt hàn,
Sách Bản thảo kinh sơ: nhập 3 kinh Thận, Can, Bàng quang.
Thành phần chủ yếu:
Plantasan, palmitic acid, arachidic acid, succinic acid, adenine, cholic acid, stearic acid, oleic acid, linolenic acid.
Theo sách Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam của GS Đỗ tất Lợi:
Toàn cây chứa một glucozit gọi là aucubin hay rinantin còn gọi là aucubazit.
Trong lá có chất nhày, chất đắng carotin, vitamin C, vitamin K và vitamin T, acid citric.
Trong hạt chứa nhiều chất dầu, acid plantenolic, adenin và cholin.
Tác dụng dược lý:
Xa tiền tử có tác dụng lợi thủy, thanh thấp nhiệt, thảm thấp chỉ tả, thanh can minh mục, thanh phế hóa đàm.
Chủ trị các chứng: phù thũng, chứng lâm, thấp tả, mắt đỏ, ho do phế nhiệt.
Ứng dụng lâm sàng:
1.Trị viêm đường tiết niệu, đái rắt đái buốt:
Bát chính tán (Hòa tễ cục phương): Xa tiền tử, Cù mạch, Biển súc đều 10g, Hoạt thạch 20g, Cam thảo 3g, Chi tử 10g, Mộc thông 10g, Đại hoàng 6g, Đăng tâm 2g, sắc nước uống. Bài thuốc có thể trị đái máu, sạn tiết niệu.
Xa tiền tử 20g hoặc Xa tiền thảo 40g sắc uống hoặc phối hợp với Bạch linh, Trạch tả, Bạch truật đều 10g sắc uống.
2.Trị tiêu chảy:
Xa tiền tử tán: Xa tiền tử, Bạch phục linh, Trư linh, Hương nhu, Đảng sâm đều 12g, Đăng tâm 2g, sắc uống.
Xa tiền tử 16g, Sơn tra 10g, sắc uống hoặc bột Xa tiền tử 3 – 6g uống với nước cháo đường.
3.Trị đau mắt sưng đỏ do can nhiệt:
Xa tiền tử, Mật mông hoa, Thảo quyết minh, Bạch tật lê, Long đởm thảo, Hoàng cầm, Khương hoạt, Cúc hoa lượng bằng nhau, tán bột mịn mỗi lần uống 10g, ngày 3 lần với nước cơm.
4.Trị tiêu chảy trẻ em: Hoàng Đông Đô và cộng sự mỗi ngày dùng Xa tiền tử 30g bọc vải sắc nước gia đường vừa đủ cho uống, theo dõi 69 ca phần lớn trong 1 – 2 ngày khỏi tỷ lệ đạt 91,3% (Tạp chí Trung tây y kết hợp 1987,11:697).
5.Trị ho:
Tác giả Phạm chính Định dùng toàn cây Mã đề mỗi ngày 40 – 100g sắc uống. Trị 67 ca ho, phần lớn do viêm phế quản mạn, kết quả tốt 83,6% (Tạp chí Y học Trung hoa 1957,9:739).
Có tác giả dùng Xa tiền tử kết hợp Hoàng cầm, Ngư tinh thảo, Bối mẫu để thanh phế hóa đàm, trị ho do phế nhiệt, trường hợp phế âm hư phối hợp với Mạch môn, Sa sâm.
Bài thuốc trị ho tiêu đờm: Xa tiền thảo 10g, Cam thảo 2g, Cát cánh 2g, nước 400ml đun sôi trong 30 phút chia 3 lần uống trong ngày.
Ngoài ra, có tác giả dùng Xa tiền tử, Hạ khô thảo, Tang ký sinh, Cúc hoa. Trị huyết áp cao, phối hợp với Sơn dược, Ý dĩ, Thương truật trị chứng huyết trắng, trùng roi âm đạo.
Liều lượng thường dùng:
Liều 5 – 10 bọc vải sắc.
Ý kiến của bạn